Sunday, December 11, 2011

Phú Quang: Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ...



   
    Hà Nội mùa này nhuốm màu nỗi nhớ. Ta nhớ những vốc cốm ngon lành thẫm đẫm mùi lúa non, ta nhớ hương hoa sữa cứ quấn quýt bước chân người đi trong đêm, ta nhớ những buổi sáng sương giăng giăng khắp lối,… ta nhớ lắm mùa thu ơi. Thời tiết Hà Nội đầu đông càng khiến ta nhớ hơn hơi ấm của những vòng tay thân thuộc. Thế rồi một nỗi buồn vô cớ cứ thế dần xâm chiếm trong lòng nhưng ta cứ để mặc cho nó chiếm giữ tâm hồn mình…
“Chiều nay mình ta lang thang trên phố nhạt nhòa
Sương giăng trắng niềm mong chờ
Chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ...”

   Vời tài sản kếch sù về âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phú Quang đã đặt dấu ấn của mình trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, điều đó đã được khẳng định qua các ca khúc trữ tình lôi cuốn, các album và nhiều chương trình âm nhạc trong nhiều năm qua. Có lẽ thật đúng khi nói rằng ông đã gieo nhạc vào những bài thơ, hay đem thơ vào nhạc, hòa quyện hai thứ nghệ thuật ấy thành thứ ngôn ngữ nhạc-thơ, thơ-nhạc huyền ảo và chìm đắm trong những cảm xúc đẹp đẽ và lãng đãng. Những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang phảng phất không khí khói sương của một "chiều phủ Tây Hồ", đặc biệt nhất là nỗi lòng cô đơn của một kẻ sống luôn khắc khoải về những kí ức xưa cũ, những hình bóng đã đi qua trong đời hay nhiều điều chưa thoả nguyện... 

  Đôi lúc trong ta có những cảm xúc mà chẳng thể diễn tả thành lời, đó có thể là một niềm hạnh phúc trào dâng, một tình yêu đang hé nụ hay nồng nhiệt, đó cũng có thể là nỗi đau dày vò trái tim  tan thành muôn nghìn mảnh, hay chỉ đơn giản một nỗi buồn vô duyên phảng phất trong một chiều thu Hà Nội. Âm nhạc trở thành ngôn từ của tâm hồn. Người ta tìm đến nhạc của Phú Quang trong “sự bất lực của ngôn từ, không thể nói ra những điều sâu kín nhất”.
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình dù chỉ là một chút bóng đêm trên đường phố quen
Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”
[Hà Nội ngày trở về]
Không ít những người đang yêu lấy những bản tình ca của Phú Quang để thổ lộ những điều mà có khi ở bên nhau cũng chẳng nói được thành lời. Những “Đôi mắt”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Dương cầm lạnh”, “Biển nỗi nhớ và em”… không biết từ bao giờ đã trở thành những lá thư tình viết vội dành tặng người mình yêu. Ở những bản tình ca ấy, giai điệu đã làm nên "chất tình" quen thuộc mộc mạc và giản dị, nhưng cũng đủ để cảm nhận nơi tình yêu đầy đủ những cung bậc cảm xúc, những rung động của con tim hoà vào cùng thiên nhiên để thấy được một hình ảnh quen thuộc trong chính tâm hồn của con người… Thế nhưng tôi thấy ở tình yêu trong nhạc của Phú Quang đâu đó vẫn chất chứa những nỗi buồn đau nhói, sự mong manh và hư ảo mà chính nhạc sĩ cũng phải thốt lên rằng: “Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê, nhưng cũng thật mong manh, dễ vỡ.”
“Sẽ còn lại với ta một hoàng hôn ấy
Dù mai đây tình như chiếc lá cuối trời
Có điều gì giống như hư ảo
Khi mắt em ấm áp một niềm yêu”
 [Gửi Đôi Mắt]
Gửi đôi mắt - Quang Lý

  Tuy vậy đối với tôi, những bài hát về Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang là đẹp hơn cả. Với ông, Hà Nội như một nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông không ngừng chảy, lúc êm đềm thiết tha lúc lại cồn cào con sóng.
“Không hiểu sao càng có tuổi tôi càng nhớ nhung những ngày thơ ấu của mình. Hà Nội ngày tôi còn bé đẹp và yên bình biết bao. Tôi vẫn thường cùng bạn bè chơi thổi búp lá đa, bắt dế bỏ vào ống bơ và xem chọi dế. Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tính đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội…  Rồi chúng tôi đi qua đời nhau... Rồi phút ngập ngừng đầu tiên ấy trở thành kỷ niệm. Và Hà Nội là nơi cất giữ những quá khứ dịu dàng của cuộc đời... Trong những bài hát của tôi thường có rất nhiều bóng dáng giai nhân. Bạn hỏi tôi họ là những ai ư? Họ là những chị, những em, những người con gái tôi đã quen hoặc chưa quen, tôi đã nhớ hoặc chưa là nỗi nhớ. Họ ở trong tôi như bóng dáng của Hà Nội, cổ xưa mà hiện đại, yêu kiều mà trang nhã. Tôi đã yêu họ như yêu một vùng đất nguồn cội, như yêu một phần đời của mình, tuổi trẻ của mình.” (N.s Phú Quang)

(Trích kịch bản thô Music Salad FTU Forum Radio)

Tuesday, October 4, 2011

Adele


 
Tôi không thích phần lớn nhạc trẻ bây giờ, cả ở Việt Nam lẫn USUK. Nhưng có một nữ ca sĩ tôi đặc biệt ấn tượng với dòng nhạc Soul, Blue đó chính là Adele – ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Anh. 

Gần đây thế giới chứng kiến khá nhiều gương mặt mà “tài năng không đợi tuổi” với giọng hát cao vút hoặc trong vắt như thiên thần. Tôi thích sự ngây thơ, trong sáng trong giọng hát các em (mặc dù cách chọn bài đôi lúc không “trong sáng” lắm). Nhưng ở Adele, tôi không mong tìm ở đó một sự yên bình, một giọng hát êm trong, vũ đạo đẹp hay một ngoại hình bắt mắt, mà đối với tôi, giọng hát trưởng thành và chứa đầy sự trải nghiệm của Adele đã khiến tôi mê mẩn.

Báo chí, nếu như họ đặt Adele so sánh với Lady Gaga, Amy Winehouse hay Pixie Lotte hoặc họ nói về những thành công, những kỉ lục trong sự nghiệp của cô, thì tôi sẽ nói về Adele dưới một góc độ khác. Thực chất người ta biết đến Adele không phải vì ngoại hình hay vì hàng đống giải thưởng và lời khen dành cho cô, vậy thì những thứ đó chẳng nên đề cập làm gì. Tôi thích giọng hát của Adele. Tôi thích sự day dứt trong “Someone Like You” hay “Chasing Pavements”. Tôi thích cái cách cô dùng giọng hát đầy nội lực của mình khiến từng câu từng chữ làm tôi rùng mình. Có người nói thấy được sự ấm áp, yên bình bởi sự kết hợp tuyệt vời giữa giọng hát của cô với tiếng dương cầm. Đối với tôi, những lời đó là sự “khách sáo” trong âm nhạc, hoặc cũng có thể bởi quan điểm cá nhân mà tôi không đồng ý với suy nghĩ đó. Cá nhân tôi, Kevin Kern, The Daydream,… đem lại nhiều sự bình yên hơn Adele. Khi nghe “Rolling In The Deep”, “Chasing Pavements”, “Someone Like You”, “Don’t You Remember Me”,… đều là những bài hát về tình yên tan vỡ, đều là sự day dứt, hoang mang khi người yêu ra đi, vậy sự bình yên tìm ở đâu ra?  

Tôi bắt đầu nghe Adele kể từ khi chia tay bạn trai. Chẳng thể nào diễn tả cảm xúc, nỗi thất vọng của mình, cũng chẳng thể tin tưởng để nói với bất cứ ai, tôi tìm đến âm nhạc như một cuốn nhật kí. Tôi nhấn mình chìm trong giọng ca của Adele, để mặc ca từ bài hát thể hiện suy nghĩ của tôi, kể câu chuyện của mình… Cũng như ngọn núi lửa, nhìn bề ngoài thì cứng rắn nhưng sục sôi trong nó là những ngọn lửa không bao giờ ngủ yên, đôi khi núi lửa tuôn những đợt phun trào mạnh mẽ, thiêu rụi bất cứ thứ gì nó gặp trên đường; có những lúc cô gái cảm thấy căm ghét, oán trách như một ngọn lửa đang sôi sục:
“We could have had it all
Rolling in the deep
You had my heart inside of your hand
And you played it to the beat”
 (Rolling In The Deep)
Cũng có khi lại trở về sự yếu đuối vốn có của phụ nữ, ở nơi sâu thẳm nào đó trong tâm hồn, cô gái vẫn hy vọng người yêu nhớ đến ngày xưa mà quay lại, vẫn hy vọng thêm một lần được yêu:
“Why don't you remember?
Don't you remember?
The reason you loved me before,
Baby, please remember me once more,
When will I see you again?”
(Don’t You Remember)
Có những nỗi đau không thể nói được thành lời, cũng không thể xoa dịu được bằng nước mắt. Ta chẳng thể gọi tên được những cảm giác ấy, chỉ cảm thấy cứ như trái tim mình đang bị ai bóp nghẹt vậy. Chẳng ai biết người ta yêu khi nào, cũng chẳng ai biết ta hết yêu khi nào. Nó cứ đến và đi thật khẽ khàng và bỏ lại đằng sau là niềm vui bị đánh mất và những kí ức mà đôi khi trỗi dậy không ngừng. Dù thế nào đi chăng nữa, có một câu mà Adele đã hát rằng: “I wish nothing but the best for you”
Đó là cách Adele chạm vào trái tim của tôi...